Được đánh thức bởi các nhà đầu tư lớn, du lịch Việt sẽ bắt kịp láng giềng

01/10/2019 963 views
Home News

Hơn một thập kỷ qua, du lịch Việt Nam chứng kiến sự thay da đổi thịt của những mảnh đất giàu tiềm năng được đánh thức bởi những nhà đầu tư lớn. Nhưng liệu ngành công nghiệp không khói của chúng ta có thể đuổi kịp Singapore, Malaysia và rút ngắn khoảng cách với Thái Lan?

 

Những vùng đất được đánh thức

Theo thống kê, năm 2007, chỉ có 4 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, thậm chí năm 2009 còn giảm xuống 3,8 triệu lượt. Sau hơn một thập kỷ, số khách quốc tế đến Việt Nam tăng đột biến và vẫn trong đà tăng trưởng nhanh. Cụ thể, năm 2018, Việt Nam đón khoảng 15,6 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng.

Như vậy, sau hơn 10 năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gần 4 lần. Năm nay, du lịch Việt Nam phấn đấu đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt trên 700.000 tỷ đồng, những con số 10 năm trước không ai dám mơ tới.

Như nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã nói, đó là "một kỳ tích của du lịch Việt Nam". Có được kết quả này, bên cạnh sự định hướng đúng đắn của các cấp chính quyền trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ công nghiệp, nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ thì phải kể đến sự đóng góp của các Tập đoàn kinh tế lớn.

Từ khi các Tập đoàn tư nhân lớn như Vingroup, Sun Group, BRG… đầu tư vào hạ tầng cơ sở du lịch, bộ mặt của ngành du lịch Việt Nam đã đổi khác hoàn toàn. Năm 2009, Việt Nam mới có 33 khách sạn 5 sao, 90 khách sạn 4 sao và 176 khách sạn 3 sao. Nay thì từ Hà Nội vào Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM, Vũng Tàu, Phú Quốc… đâu đâu cũng thấy vô số khách sạn 4, 5 sao, rất nhiều trong số đó được quản lý bởi những thương hiệu khách sạn, resort lớn như AccorHotels, InterContinental, Marriott, Wyndham, Pullman, Four Seasons…

Từ chỗ cả nước chỉ có một vài khu vui chơi giải trí được xem là quy mô, đến giờ nhiều tỉnh thành phố như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Ninh… trở thành điểm hút khách du lịch với những khu vui chơi giải trí tầm cỡ như Sun World Ba Na Hills, Sun World Danang Wonders (Đà Nẵng), Sun World Halong Complex, công viên chủ đề Dragon Park, công viên nước Typhoon Water Park (Hạ Long), Vinpearl Land (Nha Trang), Vinpearl Safari (Phú Quốc), Công viên văn hóa Suối Tiên (TP.HCM)…

Các tổ hợp vui chơi giải trí như Sun World Danang Wonder đã trở thành điểm hút khách du lịch.

Những khu nghỉ dưỡng cao cấp mọc lên, đưa cái tên Việt Nam ra thế giới. InterContinental Danang Sun Peninsula Resort tại Đà Nẵng trở thành điểm dừng chân của những chính khách, yếu nhân, tỷ phú thế giới, bởi sự xa hoa lộng lẫy đã được thế giới thừa nhận bằng giải thưởng "Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới" trong ba năm liền 2014, 2015 và 2016.

Bãi Kem (Nam Phú Quốc) được các tỷ phú thế giới nhận định sẽ là "điểm đến của du lịch cao cấp" trong tương lai, khi sở hữu khu nghỉ dưỡng 5 sao JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay đã được World Travel Awards trao tặng hai giải thưởng đặc biệt: Khu nghỉ dưỡng và villa trên đảo sang trọng hàng đầu thế giới 2018 và Khu nghỉ dưỡng chủ đề sang trọng bậc nhất thế giới.

Thị trấn Sa Pa nhỏ bé năm nào còn là cái tên ít được chú ý do đường đi cách trở, không có nhiều sản phẩm du lịch thì bây giờ cũng mang một sức sống mới. Năm 2009, du khách đến Sa Pa đạt gần 302.000 lượt. Năm 2018, con số đã là 2.420.000 lượt (tăng 8 lần). Và chỉ 7 tháng đầu năm nay, tổng lượng khách đến Lào Cai đã đạt gần 3,33 triệu lượt (gấp 1,4 lần cả năm ngoái).

Từ một vùng núi cao với hạ tầng du lịch nghèo nàn, Sa Pa nay đã có một khu du lịch tầm cỡ là Sun World Fansipan Legend, "Khách sạn hạng sang mới tốt nhất Việt Nam" Hotel de la Coupole, MGallery do Sun Group đầu tư xây dựng, hay Pao’s Sa Pa, Victoria Sa Pa resort… Nhiều người tin rằng, trấn trong sương sẽ thoát cảnh "nhặt từng đồng bạc lẻ", tự tin đón dòng khách cao cấp, mang về doanh thu lớn hơn cho du lịch tỉnh.

Bắt kịp láng giềng, được không?

Tốc độ tăng trưởng thần kỳ của du lịch Việt Nam thời gian qua là cơ sở để lạc quan rằng chúng ta, có thể bắt kịp, thậm chí vượt qua một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Indonesia, Malaysia. Năm 2018, Việt Nam đón 15,6 triệu lượt khách quốc tế, gần bắt kịp Indonesia (15,8 triệu lượt) và nếu dự kiến năm 2019 nếu đón được 18 triệu lượt khách thì chúng ta sẽ ngang ngửa Singapore (18,5 triệu lượt- 2018).

Nhờ những tổ hợp du lịch giải trí, nghỉ dưỡng tầm cỡ thế giới, du lịch Việt Nam đã bắt kịp, thậm chí vượt qua nhiều nước châu Á. (Ảnh: Cầu Vàng tại Sun World Ba Na Hills – Đà Nẵng)

Mặc dù cũng chưa thể vượt qua được Malaysia (25,8 triệu lượt) nhưng theo các chuyên gia du lịch, xét về tiềm năng, Thái Lan, Malaysia hay Singapore… đều không hơn ta, nhưng yếu tố hạ tầng và dịch vụ thì Việt Nam sẽ còn phải "tăng tốc" hơn nữa mới có thể bắt kịp các nước đó.

Lợi thế lớn nhất của du lịch Singapore không phải vẻ đẹp thiên nhiên, mà chính là từ cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch. Với những công trình du lịch, những tổ hợp vui chơi giải trí trở thành biểu tượng như Marina Bay Sand, Botanical Garden, Resort World Sentosa, Universal Studio… những khu phố mua sắm ngập tràn hàng hiệu như Orchard Road… Singapore hấp dẫn du khách bởi hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ.

Du lịch Thái Lan liên tục tăng trưởng trung bình 30 - 40%/năm trong 10 năm qua, bất chấp những bất ổn về chính trị và thiên tai. Đầu tư vào hạ tầng và dịch vụ du lịch, Thái Lan đã biến Phuket thành thiên đường nghỉ dưỡng, Pattaya thành xứ giải trí bất tận, Bangkok thành thiên đường mua sắm… Sự đầu tư đó sẽ không dừng lại, bởi như Bộ trưởng Bộ Du lịch Thái Lan từng nói: "Mục tiêu của chúng tôi là tập trung vào chất lượng và làm thế nào để khách du lịch ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều tiền hơn".

Maldives từ xứ đảo không ngân hàng, sân bay, không nước ngọt, không điện đã trở thành thành thiên đường nghỉ dưỡng, với những resort 4 - 5 sao, nhà hàng dưới đại dương… để thu hút mỗi năm 750.000 du khách, gấp đôi dân số cả nước. Malaysia nổi danh thế giới với tòa tháp đôi Petronas, thành phố mới Putrajaya, những điểm đến nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp như Genting World Resort, trong đó, ai cũng biết, trước kia, cao nguyên Genting hoang vu thế nào.

Nhìn từ láng giềng mới thấy những gì du lịch Việt Nam đã và đang làm mới chỉ là bước khởi đầu. Còn cả một chặng đường dài để bắt kịp với các nước trong khu vực, và sự vào cuộc của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước vẫn sẽ là át chủ bài để du lịch Việt Nam thăng hạng.

 

Posts same category
Top