Những điểm tham quan mang dấu ấn lịch sử văn hoá tại Bình Thuận

24/04/2019 1031 views
Home News

Xưa nay, nói đến thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), du khách thường nghĩ ngay đến biển, những khu resort sang trọng, nước mắm và hải sản tươi ngon. Thế nhựng, khi đến với vùng đất này, du khách còn có cơ hội khám phá những nét độc đáo của những điểm di tích lịch sử văn hoá.
 

Bảo tàng Hồ Chí Minh



(Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận; Ảnh: Nguyên Vũ)


Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận thành lập năm 1986, nằm ở trung tâm thành phố Phan Thiết, kề bên sông Cà Ty. Đây là công trình kiến trúc độc đáo với khuôn viên thoáng mát, nhiều cây xanh và nhất là tượng Bác Hồ với thiếu nhi Bình Thuận. Bên trong chia thành các khu trưng bày đẹp mắt, khoa học, giới thiệu cho khách tham quan thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu lại Bình Thuận. Mang ý nghĩa tinh thần to lớn với người dân địa phương, Bảo tàng thể hiện niềm tự hào của một vùng đất vinh dự chào đón vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước đã từng sinh sống và hoạt động tại đây.
Khu di tích trường Dục Thanh



(Trường Dục Thanh; Ảnh: Nguyên Vũ)


Toạ lạc trong khuôn viên nhà thờ cụ Nguyễn Thông trên đường Trưng Nhị Tp.Phan Thiết. Trên hành trình ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã dừng chân, sinh sống và dạy học tại trường Dục Thanh. Hiện nay, trường còn lưu giữ đầy đủ các di tích gắn với thời gian Bác sống và dạy học như: Ngoạ du sào, Nhà thờ cụ Nguyễn Thông, giếng nước, cây khế và những kỷ vậy mà người từng sử dụng. Trường Dục Thanh là niềm vinh dự, tự hào của cán bộ và nhân dân Phan Thiết. Hình ảnh, hơi ấm của Người như mãi còn lưu lại nơi đây. Trường Dục Thanh là một trong những điểm du lịch thu hút đông du khách đến tham quan, viếng và tìm hiểu về những năm tháng thầy giáo Nguyễn Tất Thành sinh sống và dạy học.
Bảo tàng Bình Thuận



(Hiện vật cổ trưng bày trong Bảo tàng Bình Thuận; Ảnh: Nguyên Vũ)


Bảo tàng Bình Thuận có địa chỉ tại số 4 Bà Triệu, Tp.Phan Thiết và nằm  cạnh sông Cà Ty thơ mộng. Là nơi lưu giữ các giá trị di sản văn hoá từ thời xưa đến nay. Tại đây có khu trưng bày bộ sưu tập hơn 1.000 cổ vật trong tổng số hơn 5.000 cổ vật được Bảo tàng Bình Thuận khai quật khảo cổ và sưu tầm trong hơn 40 năm qua như: súng thần công, mộ chum bằng gốm, công cụ lao động bằng đá, đồng, đồ trang sức… Đặc biệt là bộ đàn đá khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh và đàn đá khảo cổ Đa Kai. Đây là nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người có niên đại từ 3.000 năm trước. Bảo tàng Bình Thuận đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu di sản văn hoá thông qua các cổ vật của nhân dân địa phương, du khách và các nhà khoa học
Trung tâm Trưng bày văn hoá Chăm.

 


(Trung tâm Trưng bày văn hoá Chăm Bình Thuận; Ảnh: Nguyên Vũ)


Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận xây dựng năm 2009, nằm bên cạnh Quốc lộ 1A, thuộc thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình. Trung tâm trưng bày các bộ sưu tập có giá trị về di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của người Chăm, trong đó có hiện vật liên quan đến các vương triều Chămpa. Trung tâm Trưng bày văn hoá Chăm còn là nơi giới thiệu văn hoá ẩm thực và trình diễn nghề dệt thổ cẩm, nghề làm gốm truyền thống như một phần của văn hoá phi vật thể dân tộc Chăm được lưu truyền và phát huy, phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương cũng khách tham quan, các nhà nghiên cứu khoa học.
Khu di tích tháp Pô Sah Inư



(Tháp Pô Sah Inư; Ảnh: Nguyên Vũ)


Pô Sah Inư là tên gọi một công chúa con vua Chăm Para Chanh thế kỷ XV được đặt cho tên tháp, toạ lạc trên đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hài, Tp.Phan Thiết. Khu di tích gồm 3 ngọn tháp: tháp chính, tháp phụ và tháp thờ thần lửa. Nhóm đền tháp Chăm Pô Sah Inư là di tích kiến trúc nghệ thuật được người Chăm xây dựng từ nửa cuối thế kỷ IX để thờ thần Siva. Đây là nhóm đền tháp cổ nhất của Vương quốc Chămpa còn lại đến ngày nay. Trong lòng tháp chính thờ bộ Linga – Yoni bằng đá. Hằng năm, tại đây diễn ra nhiều lễ hội của người Chăm mang ý nghĩa lớn về mặt tín ngưỡng, tâm linh trong đời sống văn hoá và tinh thần của dân tộc, trong đó có lễ hội quan trọng nhất là Lễ hội Ka-tê, diễn ra vào đầu tháng 7 Chăm lịch hàng năm (tức khoảng tháng 10 dương lịch).
Tháp nước Phan Thiết



(Tháp nước Phan Thiết; Ảnh: Nguyên Vũ)

 

Tháp nước từ lâu đã được xem như là biểu tượng của thành phố biển Phan Thiết, nằm trên đường Bà Triệu. Tháp nước xây dựng vào cuối năm 1928 và hoàn thành vào đầu năm 1934, do kiến trúc sư vốn là Hoàng thân Xuphanuvong (Lào)  thiết kế và nhà thầu Ưng Du thi công. Quá trình xây dựng Tháp nước Phan Thiết khá tỉ mỉ và công phu với sự hợp sức của nhiều thợ xây dựng, thợ điêu khắc từ khắp mọi nơi trên đất nước. Tháp nước Phan Thiết xây bằng bê tông, cốt thép, bao quanh là những mảnh ghép sứ luôn ánh lên trong nắng trông rất đẹp và ấn tượng. Tháp nước nằm trong khu công viên xanh hiện là Nhà Thiếu nhi thành phố Phan Thiết, nhìn ra dòng sông Cà Ty hiền hoà. Với người thành phố, Tháp nước Phan Thiết không đơn giản là một điểm tham quan mà đây còn là một biểu tượng của tình đoàn kết Việt – Lào.

 
Posts same category
Top