Triển khai dự án Cảng hàng không Phan Thiết, đối với khu bay quân sự

29/06/2019 1239 lượt xem
Trang chủ Thông tin quy hoạch

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận, việc triển khai dự án Cảng hàng không Phan Thiết, đối với khu bay quân sự, đến nay đơn vị tư vấn đã lập xong hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi,

Đặc biệt, Sở này cho biết thêm Bộ Quốc phòng đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, hiện nay các bộ, ngành liên quan đang tham gia thẩm định. Công ty tư vấn thiết kế ADCC đã tổ chức khảo sát, cắm mốc ranh giới bê tông ngoài thực địa, đồng thời xác định sơ bộ hệ thống đường giao thông kết nối vào từng trận địa.

Đối với hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT: đơn vị tư vấn đã lập xong hồ sơ điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, hiện Sở Giao thông Vận tải đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, phê duyệt điều chỉnh.

Đến nay, đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Cảng hàng không Phan Thiết với diện tích 543 ha. Riêng khu gia đình quân nhân, hiện có 11 hộ và 1 tổ chức nhận tiền và bàn giao mặt bằng, hiện còn 4 hộ chưa đồng ý nhận tiền do chưa thống nhất giá đền bù.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, để phấn đấu trong quý 3/2019 sẽ triển khai thi công dự án theo đúng tiến độ đã đăng ký, lãnh đạo tỉnh yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chủ động làm việc với Bộ Giao thông Vận tải sớm có nội dung thẩm định thiết kế cơ sở của dự án, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành thẩm định điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi trình UBND tỉnh phê duyệt.

UBND thành phố Phan Thiết có trách nhiệm phối hợp giải quyết những vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc khu gia đình quân nhân. Tiếp tục vận động các trường hợp còn vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng lên nhận tiền, bàn giao mặt bằng, trường hợp các hộ không đồng ý sau khi đối thoại và áp dụng đầy đủ các chính sách thì củng cố hồ sơ tổ chức cưỡng chế bàn giao mặt bằng theo quy định.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm việc Bộ Quốc phòng thống nhất vị trí 10 hạng mục phát sinh, đồng thời phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lập các thủ tục quy hoạch sử dụng đất.

Đối với nhà đầu tư là Công ty cổ phần Rạng Đông chủ động triển khai công tác lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ đánh giá tác động môi trường, cấp phép thi công… theo đúng quy định.

Đồng thời, phối hợp với đơn vị tư vấn thường xuyên liên hệ với Cục Hàng không Việt Nam, các bộ, ngành liên quan chủ động giải trình, chỉnh sửa hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt hồ sơ điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở dự án đảm bảo chặt chẽ.

Cảng hàng không Phan Thiết được quy hoạch là cảng hàng không quốc nội cấp 4E với vai trò là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu khách/năm.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Bộ Quốc phòng bổ sung quỹ đất gần 200 ha để đầu tư thêm 1 đường cất hạ cánh vào dự án Cảng hàng không Phan Thiết do Bộ này đầu tư. Đồng thời bổ sung kinh phí (khoảng 386 tỷ đồng) vào tổng mức đầu tư của dự án Khu dùng chung, khu quân sự Cảng hàng không Phan Thiết để tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi đủ điều kiện.

Ngày 18/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né. Theo Quy hoạch, Mũi Né sẽ trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2025, phấn đấu đến năm 2030.

Để đáp ứng chiến lược này, Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng Phan Thiết. Trong đó, trước mắt Thủ tướng đã đồng ý điều chỉnh quy mô của sân bay Phan Thiết từ hơn 5.000 tỷ lên hơn 10.000 tỷ đồng. Biến sân bay này thành một trong 3 sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, sân bay Phan Thiết được điều chỉnh quy hoạch sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E để phù hợp với quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc.

Mục tiêu nâng cấp sân bay nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác các chặng bay Nội Bài - Phan Thiết, Vân Đồn - Phan Thiết, Cát Bi - Phan Thiết, với các máy bay code E, trong giai đoạn đến năm 2030, cũng như khai thác được các loại máy bay quân sự hiện đại nhất hiện nay.

Nhà ga hành khách sân bay Phan Thiết được mở rộng từ 5.000 m2 lên 19.200 m2, để đạt công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.

Với quy hoạch điều chỉnh, sân bay Phan Thiết sẽ được chia làm 3 khu, khu bay dùng chung cho cả mục đích dân dụng và quân sự; khu phục vụ hàng không dân dụng gồm sân đỗ máy bay hàng không dân dụng, và công trình hàng không dân dụng nằm độc lập; khu quân sự dành riêng đỗ máy bay quân sự, hạ tầng kỹ thuật quân sự.

                                                                                                                       Nam Phong

                                                                                                                    Theo Trí thức trẻ

Bài viết cùng chuyên mục
  • Cần giữ gìn, tôn tạo và phát huy vẻ đẹp tự nhiên Đồi cát bay Mũi Né

    Theo Thạc sĩ Nguyễn Đình Huy, để vừa khai thác tốt vừa gắn với công tác gìn giữ, tôn tạo cho vẻ đẹp tự nhiên Đồi cát bay, quy hoạch nên theo 6 phân khu chức năng là: khu công viên và cung cấp dịch vụ, đường đi bộ thưởng ngoạn Đồi cát bay, khu chụp ảnh nghệ thuật, khu trò chơi trên cát (trượt cát, nhảy dù, trò chơi vận động), khu thả diều, khu tham quan, khám phá thảm thực vật.
Top