Lợi thế phương Đông trong xu hướng mới của thương hiệu toàn cầu

26/06/2019 843 views
首页 消息

Văn hoá và di sản phương Đông đang trở thành chất liệu cho chính các doanh nghiệp phương Tây. Những thương hiệu châu Á biết kết hợp bản sắc đặc trưng với giá trị hiện đại sẽ có lợi thế trong bối cảnh thị trường toàn cầu tìm kiếm nguồn cảm hứng mới.

Thoát khỏi định kiến "giá rẻ"

Châu Á đã và vẫn còn đang là công xưởng sản xuất của thế giới. Tuy nhiên, trong vòng một thập niên qua, đây không còn là định vị duy nhất. Sự trưởng thành mạnh mẽ của nền kinh tế châu Á được chứng thực bằng sự hiện diện toàn cầu của các thương hiệu xuất thân từ khu vực này.

Ở nhiều mức độ, quy mô và phân khúc thị trường, sản phẩm của các quốc gia Á Đông đang lan toả nhanh chóng thay cho sự thống lĩnh gần như tuyệt đối của phương Tây như trước đây. Đặc biệt, không chỉ bắt nhịp với tiêu chuẩn của các thương hiệu toàn cầu kỳ cựu, doanh nghiệp châu Á còn đủ nội lực để tạo sức hấp dẫn riêng cũng như những trào lưu mới.

Vì vậy, ngày nay, đã có rất nhiều sản phẩm từ phương Đông khiến công chúng toàn cầu mơ ước - ngay cả trên phân khúc thượng lưu. Ông Ho Kwon Ping, nhà sáng lập của Tập đoàn Banyan Tree, khẳng định: "Chúng ta chứng kiến ngày càng nhiều doanh nghiệp Á Đông đầy đủ năng lực để mang đến công chúng sản phẩm hoàn chỉnh với thương hiệu riêng thay cho việc chỉ làm gia công".

Banyan Tree được xem là một trường hợp thành công điển hình của doanh nghiệp châu Á. Hiện nay, Tập đoàn này đã là một tên tuổi lớn của ngành du lịch - nghỉ dưỡng toàn cầu với các thương hiệu Banyan Tree, Banyan Tree Residences, Laguna, Angsana, Cassia và Dhawa toả rộng trên hơn 40 khu nghỉ dưỡng, 3 sân golf, 80 cửa hiệu, 60 spa và rất nhiều dự án đang được triển khai. Sự thành công của Banyan Tree dựa trên nguyên tắc cốt lõi là kết hợp tinh tế giữa bản sắc phương Đông với tiêu chuẩn quốc tế hiện đại để mang lại giá trị mới mẻ cho du khách khắp thế giới.

Banyan Tree Residences Lijang khiến chính du khách Trung Hoa ngạc nhiên khi trải nghiệm không gian sống được kết hợp tinh tế giữa truyền thống và hiện đại.

Quyền lực của thị trường lớn

Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp và báo giới, ông Ho Kwon Ping nhiều lần nhấn mạnh nguyên tắc thành công đầu tiên là các doanh nghiệp phải làm chủ năng lực đáp ứng và chinh phục những thị trường mà mình có thể hiểu rõ nhất.

Theo đó, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp khách hàng trung và thượng lưu, châu Á là một thị trường rất lớn để nuôi dưỡng bất kỳ doanh nghiệp nào có khát vọng.

Bên cạnh đó, nền kinh tế số đã mang đến rất nhiều sự thay đổi trong tư duy tiêu dùng. Công chúng chỉ đón nhận thương hiệu và sản phẩm đủ sức thuyết phục thực sự chứ không thiên vị vô điều kiện cho "người quen" nữa. Thế nên, để có được vị trí trên thị trường, thương hiệu châu Á cần sự chuyên nghiệp, sáng tạo theo tiêu chuẩn và thị hiếu mới. Đây không phải là thị trường dễ tính như nhiều người có thể nhầm tưởng, nhất là phân khúc cao cấp.

Do vậy, nếu làm chủ được thị trường lớn gần mình nhất, thương hiệu châu Á sẽ tích luỹ được nội lực và kinh nghiệm cho những cuộc chinh phục xa hơn.

40 biệt thự biển của Banyan Tree Residences Lăng Cô được gọi là những cung điện mùa hè, mang sắc thái kiến trúc cung đình Huế và những di sản độc đáo của văn hoá Việt.

Bản sắc địa phương và giá trị toàn cầu

Trong nền kinh tế sôi động ngày nay, vũ khí cạnh tranh sống còn của các thương hiệu là bản sắc. Điều này giúp tạo nên sự khác biệt và sức cuốn hút riêng. Do đó, trên hành trình ra toàn cầu, một trong những hành trang quan trọng nhất của thương hiệu châu Á là "chất liệu" phương Đông - từ "chất liệu" hữu hình đến vô hình như tinh thần, cảm xúc, văn hoá...

Những "chất liệu" này cần được chắt lọc và áp dụng tinh tế trong sản phẩm, dịch vụ mang tính hiện đại mà công chúng có thể dễ dàng cảm thụ và sử dụng. "Bản sắc địa phương" kết hợp với "giá trị toàn cầu" được xem là công thức thành công chung dành cho các doanh nghiệp đang muốn bước ra thế giới.

Posts same category
Top